Xét theo thứ tự thời gian, một ván cờ thường được chia làm ba giai đoạn: khai cuộc, trung cuộc và tàn cuộc. Sự phân chia này tuy có tính cách qui ước nhằm dễ dàng nghiên cứu nhưng nó phản ánh một thực tế là có giai đoạn mở đầu rất quan trọng. Giai đoạn này gồm bao nhiêu nước thì chưa có sự thống nhất giữa những nhà nghiên cứu, nhưng thông thường người ta cho rằng giai đoạn này phải kéo dài từ 8 đến 12 nước đi đầu tiên. Sở dĩ nói giai đoạn này rất quan trọng vì nó thực sự có ý nghĩa quyết định đến toàn bộ quá trình diễn biến ván cờ. Ta thấy nhiều ván do khai cuộc tồi nên kết thúc sớm, không có giai đoạn tàn cuộc, thậm chí do khai cuộc lỗi lầm nghiêm trọng cũng không có cả giai đoạn trung cuộc.
Nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của khai cuộc phải trải qua nhiều chặng đường lần lần mới sáng tỏ, vì không phải từ thời xa xưa các tay cờđã có ngay được những nhận thức đúng đắn. Bởi thời trước, hầu hết các tay cờ đều nhận định rằng ván cờ căng thẳng, quyết liệt và nổi rõ sự hơn kém là ở giai đoạn trung cuộc và tàn cuộc. Như vậy theo họ nghĩ, hai giai đoạn sau phải quan trọng, quyết định hơn giai đoạn đầu. Với nhận thức như thế nên họ chỉ quan tâm nghiên cứu trung cuộc và tàn cuộc, ít khi chịu gia công học tập và nghiên cứu khai cuộc. Trong khi đó một số danh kỳ các thế kỷ trước có lúc đua nhau nghiên cứu tổng kết cờ tàn và cờ thế nên vô hình trung củng cố thêm những nhận thức lệch lạc trên. Điều tệ hại là nó tác động khiến một số tay cờ có quan điểm đánh giá rất thấp vai trò của khai cuộc và coi như không cần thiết phải nghiên cứu. Họ nghĩ "vô chiêu thắng hữu chiêu" là không cần học tập, chơi không bài bản cũng thắng được những người chơi theo sách vở, nhưng họ không biết muốn chơi được kiểu "vô chiêu" lại càng phải nghiên cứu, học tập kỹ hơn ai hết. Đến đầu thế kỷ 20 thì mọi chuyện đã sáng tỏ, hầu hết các danh thủ đều khẳng định khai cuộc có tầm quan trọng đặc biệt. Những ai chơi cờ theo ngẫu hứng trong khai cuộc đều không thể đương cự được với những người có học tập, nghiên cứu. Chính từ thực tiễn thi đầu các danh thủđã rút ra kết luận đó. Nhưng rồi lại có những quan điểm lệch lạc khác khi có một số người lại đề cao quá mức giai đoạn này. Cho nên đã có lúc cũng nổi lên những cuộc tranh luận xung quanh nhận định, đánh giá lại vị trí và tầm quan trọng của khai cuộc. Cuối cùng người ta đã phân tích khách quan và thống nhất kết luận rằng cả ba giai đoạn khai, trung, tàn cuộc đều có ý nghĩa và tầm quan trọng quyết định, và các giai đoạn đều có mối quan hệ khăng khít với nhau. Chơi khai cuộc tốt thì mới có một trung cuộc ưu thế và từ một trung cuộc ưu thế mới dẫn về một tàn cuộc thắng lợi. Tuy nhiên để thấy rõ tầm quan trọng nổi bật của khai cuộc người ta thường nêu một tỷ lệđáng tham khảo là phần khai cuộc quyết định 40%, còn phần trung và tàn cuộc mỗi giai đoạn quyết định khoảng 30%.
Tóm lại, khai cuộc là giai đoạn triển khai các lực lượng, khởi sự từ nước đi đầu tiên và chấm dứt với sựđiều động hầu hết các quân chủ lực ở cả hai cánh để tạo thành một thế trận tấn công hoặc phòng thủ. Việc hình thành một thế trận phải xuất phát từ một kế hoạch hẳn hoi, đó là chiến lược dàn trận của người điều khiển trận đấu.