Lúc còn dạy học ở CAO THẮNG, nhiều học sinh thường hỏi tôi: thầy ơi, sao thầyhay ngồi đánh cờ ở vỉa hè đường CÔNG LÝ vậy thầy. Tôi mỉm cưới khẽ nói: bí mật,nhưng hôm nay tôi sẽ bật mí ở bài viết này.
Dân chơi cờ thường gọi ngắn gọn lả SÒNG CỜ CÔNG LÝ. Tuy chỉ là một vỉa hè nằm giữa đường NGUYỄN CÔNG TRỨ và HÀM NGHI, nhưng đây chính là nơi Ngọa Hổ Tàng Long đối với người chơi cờ ở Sài Gòn. Thật vậy, các cao thủ cờ tướng ở khắp mọi miền đất nước đều qui tụ về đây để so tài cao thấp và đánh độ, từ vài trăm cho đến vài cây vàng. Người chơi cờ ở đây thuộc mọi thành phần trong xã hội: học sinh, sinh viên, thợ hớt tóc, kỹ sư, bác sĩ, thầy giáo, có cả thầy chùa... Ôi thôi đủ hết mọithành phần trên đời. Nhưng khi ngồi vào bàn cờ thì KHÔNG CẦN BIẾT ANH LÀ AI, KHÔNG CẦN BIẾT ANH TỪ ĐÂU, mà trong mắt trong đâu chỉ còn là XE-PHÁO-MÃ. Khi muốn đánh cờ ở đây thì có người đưa ghế ngồi và bàn cờ, đánh cờ xong thì TIP cho ông ta. Chính tại nơi đây tôi đã được xem nhiều trận cờ LONG TRỜI-LỞ ĐẤT (độ lớn tiền), được biết thêm nhiều nước cờ huyền bí và tuyệt diệu.
Bài 1: Làm sao thắng cờ đối thủ.
Khi chơi cờ, chiếu bí đối thủ là một niềm vui khó tả, và muốn thắng một ván cờ bản thân mình phải có "công" và phải qua nhiều khổ luyện. Dưới đây là những điều phải luyện:
1- Luyện KHAI Cuôc.
2- Luyện TRUNG Cuộc
3- Luyện Tàn Cuộc
4- Phải đi "giang hồ" để giao đấu, để cọ xát, để rút kinh nghiệm.
5- Phải có thể lực tốt và tâm lý ổn định đối diện địch thủ
Luyện cho tốt các điều trên, bảo đảm chỉ có hòa hoặc thắng
Bài 2: Luyện KHAI CUỘC như thế nào.
Khi ngồi vào bàn cờ, những nước đi đầu tiên của hai đấu thủ được gọi là KHAI CUỘC, (khoảng 5 đến 6 nước). Trong đá banh, hai đội banh bố trí các cầu thủ thành ĐỘI HÌNH. Trong cờ tướng, hai kỳ thủ cũng dàn quân theo đội hình và được gọi là THẾ TRẬN. Có điều khác là THẾ TRẬN của người đi sau (đi HẬU) phải biến hóa theo THẾ TRẬN của người đi trước (đi TIÊN), nếu biến hóa không thích hợp sẽ bị thất thế rồi dẫn đến thua cờ. Sau đây là các khai cuộc phổ biến:
KHAI CUỘC 1: Bên đi TIÊN vào PHÁO ĐẦU (bình pháo 3 nấc vào đường giữa). Khi này bên đi HẬU có thể dàn quân theo một trong các thế trận sau:
thế trận BÌNH PHONG MÃ- PHẢN CÔNG MÃ -ĐƠN ĐỀ MÃ - CHUYỂN GIÁC MÃ hay MÃ QUÌ -THUẬN PHÁO - NGHỊCH PHÁO - BÁN ĐỒ NGHỊCH PHÁO - QUI BỐI PHÁO - UYÊN ƯƠNG PHÁO -THIÊN PHONG PHÁO. Đó là các tên do người TRUNG QUỐC đặt ra và đã viết thanh sách, chỉ riêng thế trận BÌNH PHONG MÃ cũng có trên 10 cuốn sách.
KHAI CUỘC 2: Bên đi TIÊN dùng LIỄM PHÁO (bình pháo vào 1 nấc)
KHAI CUỘC 3: Bên đi TIÊN dùng SĨ GIÁC PHÁO (bình pháo vào 2 nấc).
KHAI CUỘC 4: Bên đi TIÊN dùng QUÁ CUNG PHÁO (bình pháo vào 4 nấc).
KHAI CUỘC 5: Bên đi TIÊN dùng KIM CÂU PHÁO (bình pháo vào 5 nấc).
KHAI CUỘC 6: Bên đi TIÊN dùng TIÊN NHÂN CHỈ LỘ (tấn chốt 2 hoặc 4 một nấc)
KHAI CUỘC 7: Bên đi TIÊN dùng KHỞI MÃ CUỘC (tấn mã lên) (Lại có khi dùng "QUÁI CHIÊU" là bẹt mã vào góc)
KHAI CUỘC 8: Bên đi TIÊN dùng PHI TƯỢNG CUỘC (gác tượng lên giữa).
Tổng cộng khoảng 18 THẾ TRẬN mà tôi gọi là THẬP BÁT LA HÁN KỲ TRẬN.
Ai nghiên cứu kỹ, khổ luyện kỹ và nhớ kỹ sẽ có "VÕ CÔNG" và khi ngồi vào bàn cờ sẽ nắm nhiều phần thắng. Có một cao thủ cờ tướng tâm sự:"Tôi đã bỏ ra 2 năm để chuyên về thế trận THUẬN PHÁO thế mà vẫn nắm chưa hết.
Đúng là phải: HỌC - HỌC NỮA - HỌC MÃI - rồi HỌC MÁU (vì học quá sẽ ho lao rồi ho ra máu)
Bài 3: Luyện TRUNG CUỘC như thế nào.
Sau vài nước cờ của khai cuộc, tiếp theo là trung cuộc, hai kỳ thủ bắt đầu đưa quân cờ qua sông để tìm cách chiếu bí đối phương. Tôi lấy thí dụ về ván cờ chung kết của giải VÔ ĐỊCH CỜ TƯỚNG SAIGON năm 1971. Ván này người đi tiên là TRẦN ĐÌNH THỦY (là đệ nhất cao thủ của phe Chợ Lớn, có biệt danh là HỎA TIỄN PHÁO TRẦN ĐÌNH GIÁO CHỦ, sinh năm 1938, tuổi DẦN), người đi hậu là PHẠM T N HÒA (là đệ nhất cao thủ của phe người VIỆT, có biệt danh là KHÔNG KIẾN THẦN TĂNG, sinh năm 1940, tuổi THÌN. Đúng là một trận cờ LONG HỔ TRANH HÙNG, vì hai phe cá độ rất lớn: 30 cây vàng. Ván cờ này HÒA đã oanh liệt thắng THỦY bằng thế trận BÌNH PHONG MÃ. Trong bữa tiệc ăn mừng (trong đó có tôi vì là bạn của HÒA), HÒA đã tâm sự: " Có lần vào CHỢ LỚN chơi, tôi có mua được một cuốn sách mỏng tựa đề là PHI PHÁO ĐẠI SÁT CUỘC, sách này ghi lại 32 ván đấu của các đại cao thủ TRUNG QUỐC, có 31 ván bên đi tiên thắng, chỉ có 1 ván là bên đi hậu thắng, và tôi đã nương theo ván cờ này để đánh thắng THỦY.”
Từ thí dụ trên, chúng ta suy ra một số nguyên tắc sau:
1- Phải nắm vững các cờ sau KHAI CUỘC.
2- Phải nhớ kỹ một số ván cờ TIÊN THẮNG, một số ván cờ HẬU THẮNG, một số ván cờ HÒA. (giống như học tủ vậy)
Bài 4: Luyện TÀN CUỘC như thế nào.
Sau một thời gian hai bên công thủ ở trung cuộc, ván cờ sẽ đi đến TÀN CUỘC. Giai đoạn cờ tàn coi vậy cũng rất phức tạp và gay go, cần phải đi cờ thận trọng và chính xác. Sau đây là một số nguyên tắc :
1- Phải luyện CỜ TÀN CƠ BẢN: có 2 cuốn sách cờ của TRUNG QUỐC tựa đề là TƯỢNG KỲ TÀN CUỘC ĐẠI TOÀN tập 1 và 2, trong này có đầy đủ các ván cờ tàn cơ bản về XE - PHÁO - MÃ - CHỐT...
2- Phải luyện các VÁN CỜ TÀN THỰC CHIẾN. Cũng có 2 cuốn sách là TÀN CUỘC HỨA NGÂN XUYÊN và TÀN CUỘC HỒ VINH HOA, ghi lại các ván cờ tàn rất hay của 2 đại cao thủ TRUNG QUỐC là Hứa Ngân Xuyên và Hồ Vinh Hoa.
3- Cũng nên luyện một số ván CỜ THẾ như: THẬP TAM THÁI BẢO, KIM KÊ, TAM CHIẾN LỮ BỐ, THIÊN TINH TỤ HỘI, THIÊN LÝ ĐỘC HÀNH...
4- Cũng nên đánh cờ với các PHẦN MỀM CỜ TƯỚNG để tăng cường CÔNG LỰC.
Sau khi đã luyện đầy đủ KHAI CUỘC, TRUNG CUỘC và TÀN CUỘC thì tâm lý thi đấu sẽ được ổn định, nếu có đi chiến đấu trên "giang hồ" thì cũng không còn e ngại gì nữa.
Tới đây là kết thúc bài viết: LÀM SAO ĐỂ THẮNG CUỘC CỜ.
Tự Bạch
Tôi bắt đầu chơi cờ tướng từ năm 12 tuổi, lúc đó tôi đang học nội trú trong trường PELLERIN ở Huế, khoảng tháng 10 - 1956 Huế bị lụt và các học sinh được nghỉ. Ở trong trường các anh lớp lớn đánh cờ với nhau, tôi tò mò ngồi xem sau đó được các anh hướng dẫn cách đi cờ, thế là tôi thích chơi cờ từ "dạo ấy". Sau đó tôi về Sài Gòn học trường TABERD, năm 18 tuổi đậu TÚ TÀI II, rồi may mắn đậu vào trường ĐẠI HỌC SƯ PHẠM KỸ THUẬT về môn LÝ HÓA. 4 năm sau (1966) tôi tốt nghiệp và được bổ về dạy môn LÝ HÓA tại trường KỸ THUẬT CAO THẮNG, cùng với 3 bạn đồng khóa là LÊ VĂN VƯỢNG (Lý Hóa),TRƯƠNG TRỌNG TRÁC (Lý Hóa) và NGUYỄN PHÚC (Toán).
Năm 1976 trường CAO THẮNG bỏ môn TOÁN LÝ-HÓA và tôi chuyển qua dạy ĐIỆN TỬ CƠ BẢN và ĐIỆN KỸ THUẬT. Năm 1990 tôi xin nghỉ để xuất cảnh qua PHÁP, nhưng xui quá, việ cxuất cảnh không có kết quả, tôi lại "tái xuất giang hồ", đi dạy học lại dưới dạng hợp đồng, rồi năm 2003 nghỉ dạy luôn, "giã từ phấn viết", về CÁI BÈ là quê của ông Sui mua đất xây nhà và vui thú điền viên.
Bây giờ chỉ còn:
Khi tách cà-phê, khi cuộc cờ
Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên.
Nguyễn Duy Hải