QUY TRÌNH HỌC CỜ TƯỚNG

Phần 1: Học cờ như thế nào?

Môn cờ tướng là môn có khá nhiều biến hóa hàm chứa, muốn học cờ tướng tốt, tất nhiên cần có kinh nghiệm và thời gian, đối với bất kì vấn đề nào, đều phải trải qua quá trình tìm hiểu: từ lúc chưa hiểu mấy, đến lúc hiểu kha khá.

Trong quá trình đó, tất nhiêu phải tiêu phí thời gian và sức khỏe, như người ta thường nói: phải trồng cây mới có thể hái quả. Nếu nội dung học tập theo thứ tự hợp lí, lại có phương pháp thích hợp, thì hiệu quả thu được là trong tầm tay: tốc độ tiến bộ nhanh chóng, thậm chí học 1 mà biết 2, 3 .

Người mới học thường có câu hỏi: Nên học cái gì trước, cái gì sau? Học cái gì thì có hiệu quả thực tế nhất? Những vấn đề này đúng là rất cần thiết giải đáp. Nếu bạn chưa từng học cờ, mong bạn theo thứ tự các giai đoạn học tập và nội dung học tập đã sắp xếp lần lượt dưới đây. Nếu bạn đã có thời gian nghiên cứu học tập nhất định, thì cũng có thể tự mình đối chiếu thứ tự này với năng lực và quá trình học tập của bản than, để học cao lên nữa.

A. Giai đoạn nhập môn:

1. Đầu tiên nên hiểu đại khái về lịch sử cờ tướng. Học tập và năm vững cách đi quân cờ, hiểu sơ lược về phán định kết quả: thắng (ăn tướng) – thua (bị ăn tướng) – hòa (không ai có khả năng ăn tướng của ai). Biết kí hiệu khi ghi chép ván cờ-để tự mình xem sách, hiểu các tri thức cơ bản, thông thường.

2. Học tập các cách chiếu hết cơ bản và các mẫu cờ tàn thực dụng cơ bản (đơn giản, rõ ràng nhất). Hiểu được lí do mỗi nước đi (khả năng phân tích đơn giản) trong các mẫu chiếu hết và các mẫu cờ tàn cơ bản.

3. Biết phân biệt các loại các cách bày trận, nắm phương pháp, lựa chọn các loại bố cục cơ bản thường gặp để học tập. Nắm được: phương pháp lí luận cơ bản của bố cục, các chiến thuật cơ bản cùng với các đòn chiếu hết cơ bản và thực dụng.

4. Từ các mẫu chiếu hết trong trung cục, học tập chiến lược và chiến thuật trung cục, tiến tới hiểu được nguyên tắc chiến thuật và lí luận cơ bản của trung cục.

5. Xem đấu cờ hoặc học tập ván cờ của danh thủ, thông qua phân tích, bình luận của cao thủ mà học các cách vận dụng kĩ chiến thuật của họ.

6. Tiến hành luyện tập thực chiến (với sự kết hợp những gì đã học: tàn cục, sát pháp, trung cục, bố cục) Hình thức luyện tập có thể là xa luân chiến (vòng tròn, đánh với nhiều người) hoặc một đối một, hoặc chơi với cao thủ (cao thủ đánh đồng loạt với nhiều người đang học cờ) v. v… Nắm được các hình thức và yêu cầu của các giải thi đấu. Nếu có điều kiện thì tìm hiểu cách sử dụng đồng hồ chơi cờ, và thành thạo ghi chép biên bản. Từng bước tập luyên khả năng nhớ ván cờ và khả năng phân tích lại ván cờ. (để rút kinh nghiệm)

B. Giai đoạn củng cố và nâng cao:

1. Bắt đầu học tập các các chiếu hết (sát pháp) hơi phức tạp. Rồi độc lập giải các hình chiếu hết trong sách cổ. Từng bước rèn luyện khả năng tính nhẩm. Học tập và xem xét các mẫu chiếu hết trong thực chiến. Thành thục thứ tự và nắm vững điều kiện xảy ra sát cục-bồi dưỡng cảm giác sát cục.

2. Tiếp tục học sâu vào cờ tàn, với hình thức học theo từng chuyên đề nhỏ với các mẫu thắng-hòa thực dụng. Học tập cờ tàn của danh thủ, từng bước hệ thống hóa cờ tàn.

3. Căn cứ đặc điểm bản thân (điều kiện và xu hướng yêu thích) mà chọn lấy 3 hoặc 5 loại hình bố cục (đi trước và đi sau). Từ việc bắt chước sử dụng các nước đi mẫu vào thực chiến để làm quen với bố cục, mà biết được bản thân thích hợp nhất với loại nào để chọn học sâu. Mỗi loại bố cục đều có chiến lược và chiến thuật tương ứng để vận dụng, tạm thời nên học theo loại bố cục phù hợp với cá tính của mình, như thế, thuận lợi hơn trong việc áp dụng kĩ, chiến thuật.

4. Tiếp tục học các chiến thuật hơi phức tạp của trung cục, kết hợp với thực chiến để nắm bắt lí luận trung cục. Nghiên cứu đối sách và phương pháp tính toán. Lưu ý giải quyết các vấn đề quá độ khi chuyển giao các giai đoạn: từ bố cục sang trung cục, từ trung cục sang tàn cục (đặt mục đích phù hợp với điều kiện thực tế trên bàn cờ và cố gắng đạt mục đích).

Từng bước bồi dưỡng năng lực kết hợp tư tưởng chiến lược với ý thức, cảm giác chiến thuật.

5. Quá trình học tập bố cục, nên kết hợp với bổ sung thực chiến, tốt nhất là thực chiến nghiêm cẩn theo yêu cầu giống như đấu giải cờ (giải cờ 2 người, hoặc nhiều người). Cũng có thể thử tập chơi cờ nhanh. Qua đó hiểu rõ hơn về luật cờ, cách thức đặc điểm của việc tham gia thi đấu. Đấu xong có thể cùng nhau xem lại ván cờ, từng bước tiến hành tự tổng kết và học tập (các vấn đề chiến lược chiến thuật, tâm lý và kĩ xảo)

6. Gắng học thêm một số ván cờ của danh thủ thực chiến. Để hiểu them về tâm lí thi đấu, cách nghĩ chiến lược và cách thực hành các đòn chiến thuật.

Trên đây là chúng tôi dựa vào kinh nghiệm dạy cờ nhiều năm mà sắp xếp 2 giai đoạn đầu của quy trình học cờ dành cho những người mới học cờ. Người mới học có thể tùy theo trình độ bản thân, mức độ hứng thú với việc rèn luyện cờ mà lựa chọn và sắp xếp cách học. Nhưng nhất định chú trọng thứ tự: từ đơn giản đến phức tạp, từ dễ đến khó, chú trọng cơ sở, nguyên tắc áp dụng từng giai đoạn và nguyên tắc toàn cục. Dựa vào quy trình đã nói trên học lấy một ít kiến thức cơ sở, tự kiểm tra mình đã có đủ cơ sở kiến thức chưa, bởi vì việc phát triển đến trình độ cao thâm, rất phụ thuộc vào kiến thức cơ sở.

C. Đánh cờ thực chiến

Thực chiến là cách chính để nâng cao sức cờ, trong thực chiến có cả học tập và rèn luyện, chỉ có dựa vào thực chiến mới có thể đào sâu, lí giải, tiêu hóa và hấp thụ nội dung của sách vở. Cũng chỉ có qua nhiều lần thực chiến, mới có thể từng bước trực tiếp tích lũy kinh nghiệm và kiến thức hữu ích, mới có thể xóa bỏ bệnh lí thuyết suông. Trong khi thực chiến, người mới học nên chú ý mấy vấn đề sau:

– Số lượng ván cờ hợp lí, quá ít hay quá nhiều đều có ảnh hưởng tới việc nâng cao sức cờ. Đánh quá ít thì không thể kịp thời ấn chứng sở học (gồm tri thức và lí luận), lại còn làm giảm bớt hứng thú học cờ, quan trọng hơn cả là thiếu sót về rèn luyện, ảnh hưởng trực tiếp đến những tích lũy về kinh nghiệm. Đánh cờ quá nhiều, thường lại do quá hứng thú mà muốn đánh, khi đánh cờ sẽ chỉ muốn đánh nhiều ván và đánh nhanh mà không chịu suy nghĩ, như thế thì không chỉ vô ích trong việc nâng cao, mà còn nuôi dưỡng bệnh tùy tiện khi đánh cờ (và cả khi suy nghĩ-thế mới nguy hiểm), còn không bằng từ từ dần dần, đánh ván nào nghĩ kĩ ván đó.

Theo tình huống thông thường, thiếu nhi có thể đánh 150-180 ván mỗi năm cũng được, người lớn thì 120-150 ván mỗi năm là thích hợp.

– Phải chú ý chất lượng ván cờ, đầu tiên, tình độ đối thủ không nên khác biệt nhiều so với trình độ của mình, họ hơi giỏi hơn một chút là tốt nhất, trình độ gần nhau tiện cho giao lưu, có ích cho việc cùng nhau tiến bộ; để chất lượng đánh cờ đạt hiệu quả cao và giữ được hứng thú, phải tránh đối thủ trình độ cách quá xa. Tiếp theo, bất kể đối thủ cao hay thấp, tại mỗi nước cờ, mỗi ván cờ phải nhìn nhận trách nhiệm với kết quả thắng-bại, chỉ có như thế, thì khi lâm trận, đầu óc mới hoạt động hết công suất-có ích cho rèn luyện và nâng cao. Đánh cờ chất lượng, thì kiến thức và sở học mới được kiểm nghiệm chặt chẽ, mới đạt được mục đích thực sự của lí giải và hấp thu kiến thức.

– Đánh cờ xong phải kịp thời xem lại, tổng kết chính xác được mất; cho dù đối với kì thủ trình độ cao thì đây cũng vẫn là một kĩ thuật luyện tập rất là quan trọng. Muốn xem lại thì tất nhiên cần ghi chép, ghi chép trong khi đánh cờ hoặc sau khi đánh cờ nhớ lại mà chép đều được, chỉ yêu cầu không được sai nhầm thứ tự nước đi. Ván cờ dù thắng hay thua, cũng đều cần phải xem lại. Nếu là ván thắng, thì không những tổng kết kinh nghiệm để lần sau phát huy, mà còn cố sức tìm kiếm nước cờ chưa mạnh tuyệt đối. Nếu là ván thua, đương nhiên xem lại tìm sai sót, mà cần ghi nhớ để khi tiến bộ sẽ đánh lại. Như thế, ấn tượng mới sâu sắc – dễ nhớ, dễ hiểu và hấp thu. Mới có thể qua mỗi ván cờ mà tiến mỗi bước.

– Khi xem lại, tự mình phải công bằng khách quan, nhìn nhận chính xác sự việc để phân tích biện chứng, trọng điểm là từ phương pháp tư duy, lí luận, tính toán mà tìm được tính quy luật của vấn đề, không chỉ dựa vào mỗi nước cờ hay hoặc dở, chiến thuật thi hành được hay mất.

Tốt nhất có điều kiện nên mời cao thủ giúp đỡ phân tích, chỉ cho chỗ xấu-tốt, được-mất, như vậy sẽ biết ta còn sai sót chỗ nào, tiện cho việc nâng cao. Kết hợp ván cờ của mình, với tham khảo đối chiếu các kì phổ liên quan của cao thủ, hoặc ít nhất cũng tìm được sách chuyên môn về bố cục hoặc tàn cục để thấy được những chỗ cần sửa chữa trong cách đi của mình, lại thấy được cách tư duy của bản thân với của cao thủ khác nhau thế nào, tiện cải thiện tư duy, mau chóng tiến bộ. (giờ có cả SW chính để dùng lúc này đây)

– Cần kịp thời bổ sung các chỉnh lí vào kì phổ (biên bản):

1) là các bình luận, chú thích đơn giản về được hay mất.

2) là thông tin thời gian để thuận tiện phân loại, lưu trữ và tra cứu, phân tích.

– Cứ làm mãi như thế: thực chiến-tổng kết-học tập, rồi lại thực chiến-tổng kết-học tập, một quá trình tuần hoàn không ngừng nghỉ, mới có thể củng cố kiến thức đã học, mới phát hiện được vấn đề nảy sinh, rồi mới tìm phương hướng giải quyết vấn đề, cứ thế không ngừng, là con đường nâng cao trình độ thực chiến vậy!

D. Cơ sở nền móng

Phần trước có nói qua về vấn đề cơ sở rồi, ở đây nói thêm về mức độ quan trọng của kiến thức cơ sở: “Nhà cao vạn trượng cũng từ mặt đất dựng lên” – kiến thức cơ sở đổi với sự phát triển sau này cực kì quan trọng. Bởi vậy, người mới học cờ nếu mong học đến thấu đáo, nên kiên trì mà học rất kĩ những kiến thức ban đầu, lí luận cơ bản của cờ tướng (khai, trung, tàn cục mỗi giai đoạn đều có nguyên tắc cơ bản, hình mẫu cơ bản) cần học dần dần một cách chắc chắn, đừng mong rút ngắn thời gian mà bỏ sót kiến thức. Từng có nhiều ví dụ giống như chuyện này: người nọ chơi cờ mấy chục năm, đi thi đấu tại giải cờ, gặp đến cờ tàn tất thắng “mã vs. sĩ” mà không thắng nổi, sau đó hối hận cũng chả kịp gì… Công phu cơ bản không chắc chắn, chỉ tự hạn chế bản thân trong tiến bộ và phát triển.

Đối với kiến thức hay nước cờ, ván cờ nào đó, người mới học cần tự mình suy nghĩ, đặt câu hỏi, lật ngược-xoay xuôi vấn đề để tìm ra nguyên tắc. Có thể đối với chỉ một hình cờ nào đó, cần suy nghĩ nhiều lần, từ nhiều hướng, thậm chí kết quả đã rõ ràng, cũng phải thay đổi cách suy nghĩ, kiểm tra rà soát tất cả mọi khả năng – đó là thói quen cần có.

Ví dụ cờ tàn mã tốt phá khuyết một sỹ (2 tượng+1 sỹ) – tuy rằng ai cũng nói chắc chắn là thắng phải không? Thì vẫn cần phải so sánh các trường hợp khác nhau giữa tốt cao và tốt thấp (tốt thấp còn có hàng 2 hoặc hàng 3 cũng khác nhau) rồi thì lợi dụng vị trí của tướng sỹ tượng bên địch như thế nào, sử dụng mặt tướng của mình ra sao, tìm mọi kĩ xảo phối hợp các quân tấn công v. v… để đưa đến kết quả chắc chắn, gọn gàng nhất.

Vì vậy, đối với mỗi loại hình cờ, chúng ta nên tìm tòi để hiểu sâu một chút (sâu hơn kết quả hiển nhiên), nắm bắt kiến thức cũng phải chắc chắc hơn một chút, tránh hời hợt lấy lệ. Như thế, khi vận dụng sẽ khéo léo, linh hoạt hơn. Ngoài ra, lại cần liên tục hệ thống hóa các kiến thức đã học được, kịp thời phát hiện nhược điểm nào cản trở tiến bộ của bản thân, rồi thông qua việc rèn luyện và học tập liên tục để bồi bổ, khắc phục nhược điểm.

Có một anh nọ, ngày ngày học khai cuộc, đánh cờ vẫn chưa giỏi, lại vẫn đêm đêm luyện khai cuộc, ra quân thường được thông thoáng, nhưng kết quả thực chiến vẫn bi quan, đó là mất cân bằng trong rèn luyện và không thấy được điểm mạnh và điểm yếu cần khắc phục của bản thân.

E. Tuân theo quy tắc nâng cao hiệu suất

Theo quy luật khách quan thông thường, có thể hình dung quá trình học tập và nâng cao trình độ theo như thành ngữ miêu tả sau “ba lãng thức tiền tiến, loa toàn thức thượng thăng” (nghĩa là: tiến đều như đợt sóng, lên dần hình vỏ ốc). Vì vậy, chúng ta muốn học nhiều thêm một chút, hay là học tập trung trọng điểm vào vấn đề nào đó hơn 1 chút, cũng cần tuân thủ quy luật khách quan này, vào từng giai đoạn (của học tập) lại đề ra những yêu cầu mục đích riêng cho phù hợp.

Ví dụ: + trong thời gian có được sự tiến bộ trông thấy, lại cần quay về phần huấn luyện bổ sung, củng cố công phu cơ bản, đồng thời lại tích cực khai thác nghiên cứu cả chiều sâu và chiều rộng của kiến thức thì mới hữu ích trong việc duy trì tốc độ tiến bộ;

+ khi tốc độ tiến bộ có vẻ chậm chạp, thì nhất quyết không nên nóng nảy vội vàng, mà lại cần chú ý điều tiết cảm giác và nhịp độ học tập, đặt mục tiêu tiến bộ chậm lại một chút, như thế, mới có thể đạt được sự hồi phục tiến bộ nhanh nhất.

Hiệu suất, nghĩa là so sánh khối lượng công việc và hiệu quả công việc làm được trong một khoảng thời gian nhất định. Khi chúng ta tuân theo quy luật học tập ở trên, đồng thời lại phải quan tâm đến hiệu suất học tập. Đối với cờ tướng, thì việc đầu tư học tập với việc tiến bộ về trình độ có mối liên quan trực tiếp, nhưng đối với những người học cờ khác nhau, lại có những nhân tố riêng: thời gian học tập trước và sau-sớm hay muộn, giới tính tuổi tác khác nhau, năng lực sáng tạo khác nhau, cùng với thái độ chăm chỉ khổ luyện hay là không khổ luyện, phương pháp học tập đã tốt chưa, điều kiện huấn luyện chênh lệch, điều kiện rèn luyện thực chiến chênh lệch… những nhân tố riêng nói trên sẽ ảnh hưởng mạnh tới tốc độ và thành quả cuối cùng. Người học cờ và thầy dạy cờ cần chú ý đến các nhân tố riêng này, để mà căn cứ vào tình huống cụ thể mà đặt ra đối sách: cách dạy, cách học, mục tiêu tốc độ tiến bộ trong khả năng để sử dụng các phương pháp huấn luyện học tập sao cho khoa học.

F. Tăng cường tự tu dưỡng bản thân.

1. Đạo đức:

Nếu muốn học cờ tiến bộ dần dần lên đến đỉnh cao, đầu tiên, lại phải học làm người đã, những điều này tưởng chừng không liên quan đến nhau, hóa ra lại cực kỳ quan trọng và tất yếu. Tiêu chuẩn đánh giá một kỳ thủ, từ cổ chí kim vẫn theo thứ tự:

– Kỳ đức (đạo đức) – Kỳ phẩm (phẩm chất, khả năng)

– kỳ nghệ (nghệ thuật-nghề ngỗng).

Đạo đức được coi trọng, mà đặt lên hàng đầu, chủ yếu nhấn mạnh phải gồm đủ đức tài. Người chơi cờ, nhất là các em thiếu niên nhi đồng, nhất định phải lấy việc tu dưỡng bản thân là quan trọng nhất, từ nhỏ đã phải xây dựng mục đích và chí hướng, tự nghiêm khắc với bản thân: tuân theo đạo lí của xã hội; giữ đúng nội quy của vận động viên. Bồi dưỡng lòng yêu nước, chăm chỉ học tập, thành thực khiêm tốn, văn minh lễ phép, tuân thủ luật pháp, chịu khó rèn luyện, không kiêu-không nóng giữ được tác phong đạo đức lành mạnh. (mỗi người chơi cờ, từ kỳ thủ chuyên nghiệp đến nghiệp dư, đều nên nhìn nhận và nghiêm cẩn học tập toàn bộ các điều khoản trong điều 8. trong quy định tổ chức huấn luyện và thi đấu cờ)

2. Tâm lí:

Cùng với sự tiến bộ của hoạt động cờ, kỳ thuật và lý luận của cờ đã đạt đến một tầm cao mới, từng bước chính quy. Các giải đấu cũng ngày càng kịch liệt căng thẳng, nhân tố tâm lí của các kỳ thủ ngày càng có ảnh hưởng và tác dụng quan trọng đối với thành tích. Nay đã có người suy nghĩ nghiên cứu sự liên quan-kết hợp giữa tâm lí học và kỳ nghệ, gọi là “tâm lí học trong môn cờ”. Học tập và nắm bắt “tâm lí học trong môn cờ”, cũng là một ưu thế cần sử dụng trong huấn luyện và thi đấu. Bỏi vì, đánh cờ là một hoạt động của con người, con người lại bị yếu tố tâm lí chi phối, vì thế, người mới học cũng cần có nhận thức về yếu tố tâm lí này.

3. Sức khỏe:

Trong quá trình rèn luyện và thi đấu cờ, não hoạt động rất mạnh, nếu sức khỏe không tốt sẽ khó bền bỉ. Vì thế, phải luôn luôn đẩy mạnh phát triển sức khỏe cơ thể và sức khỏe đầu óc. Mọi người cần tham gia các hoạt động thể dục thể thao, rèn luyện thân thể, tăng cương thể chất.

Nhà thơ đời Tống tên là Lục Du (1125-1210) trong bài thơ “Nhìn con noi gương” có câu thơ rằng: “Con muốn theo cha học thơ, công phu lại ở ngoài thơ” (bởi trình độ người dịch nhiều hạn chế nên cả tên bài thơ lẫn câu thơ đều dịch vội-cốt hiểu nghĩa thì thôi) Nay mượn câu cuối vận dụng vào cờ: công phu ở ngoài cờ! trừ các phần tu dưỡng đã nhắc ở trên, lại còn nhiều môn tu dưỡng mà kì thủ cần trau dồi, ví dụ như: triết học và phương pháp lu ận biện chứng, mưu lược trong quân sự, toán học, văn học, lịch sử, âm nhạc, thư pháp, h ội họa v. v… đều rất có ích cho tu dưỡng và nâng cao kỳ nghệ

Phần 2: Học cờ tàn phải tuần tự

1. Đầu tiên học các cách chiếu hết (sát pháp) cơ bản: lộ mặt tướng (đối diện tiếu), 2 xe lệch (song xa tỏa), câu ngư mã, cao điếu mã (mã điền cao bên ngoài-trong đòn xe mã nghiêng), song mã ẩm tuyền, tiền mã hậu pháo, nhị quỷ bá môn (pháo giác + 2 xe kẹp cổ để ăn sĩ tâm), pháo lồng v. v… (xem 2 cuốn sách sơ cấp ở mấy bài trên có thể thấy nhiều cách khác)

2. Học cờ tàn thực dụng ở các sách chuyên môn, đây là giai đoạn quan trọng để tạo lập kiến thức cơ sở về cờ tướng.

3. Nghiên cứu các tàn cục thực chiến của cao thủ (cũng có nhiều sách về tàn cục thực chiến của đại sư và đặc cấp đại sư-nên sưu tầm và lập kế hoạch xem dần dần tùy theo trình độ có thể hiểu được tương đối thuận lợi mới nên xem)

4. Học tập các đòn phối hợp, cờ tàn nghệ thuật, cờ thế (nhiều người bỏ qua giai đoạn này, cho rằng cờ tàn nghệ thuật hay cờ thế đều do con người sáng tác, trong thực chiến chẳng bao giờ gặp, không thực dụng-nhận định này có sai lầm lớn) Cờ thế trong môn cờ cũng giống như các bài quyền trong võ thuật. Luyện võ thuật có cần học bài quyền không? Bởi vì các bài quyền đều chắt lọc các đòn đánh, động tác tinh hoa của võ học, qua quá trình tập bài quyền thành thục, thì các động tác ấy mới có thể ứng dụng vào thực tế chiến đấu một cách khéo léo và hiệu quả. Trong cờ tướng cũng vậy, cờ thế là bài quyền mà người xưa đã cố gắng biên tập, giúp người học cờ thế có thể nhuần nhuyễn phương pháp sử dụng các dạng binh chủng, thành thục cờ thế rồi, uy lực của mỗi quân cờ mạnh thêm mấy phần, giữa các binh chủng lại còn có mỗi liên hệ hữu cơ khi phối hợp chúng.

– Một người chưa hề nghiên cứu qua thế cờ “khưu dẫn hàng long”, thì không thể nào sử dụng xe tốt ở trình độ xuất thần nhập hóa được.

– Một người không hề nghiên cứu “Dã mã tháo điền” cũng không thể phối hợp xe mã ở trình độ cao thâm, nhuần nhuyễn.

– Ngoài ra còn có: “thất tinh tụ hội”, “thiên lý độc hành” v. v…

Tôi cảm giác nhiều người học cờ lại tưởng rằng: chỉ cần có trí thông minh hơn người, thì học mỗi thứ một ít, trong thời gian thật nhanh, tìm cách học ngắn nhất, ví như theo các mẫu mà máy tính điện tử đã nghiên cứu, thì sẽ có thành tựu nổi bật ngay. Có người còn cho rằng, với phương tiện hiện đại như bây giờ, thì học cờ tướng trong 1 tháng sẽ cao lên rõ rằng! TỐT, nhưng chuyện đó không có khả năng xảy ra.

Phần 3: Học ra quân như thế nào?

Thường có câu nói: “Vạn sự khởi đầu nan”-khởi đầu tốt là gần một nửa thành công.

Người mới học cờ mà muốn học tốt cách ra quân, bày trận-lại là một việc không đơn giản vậy. Cần phải kinh qua nghiên cứu đối trận thực tiễn, nghiên cứu phương pháp lí luận và hệ thống hóa-chứ không phải cứ đi theo mẫu mà trở thành cao thủ. Trong quá trình học tập, ngoài sự nỗ lực bản thân, lại tuyệt đối không được xa rời kinh nghiệm quý báu của người đi trước, lại còn phải có phương pháp học tập khoa học.

Phương pháp học tập và nội dung học tập hợp lí, thì tiến bộ cũng nhanh thôi, ngược lại, nếu nhầm hỏng trong phương pháp và nội dung, sợ rằng dẫn đến mất công nhiều mà hiệu quả chẳng được bao nhiêu (sự bán công bội-) Muốn giải quyết triệt để vấn đề này (lựa chọn phương pháp và nội dung), đầu tiên nên tìm hiểu xem nên học cái gì (nội dung) sau là tìm cách học nào có vẻ khoa học, hợp lí (phương pháp học tập). Yếu lĩnh học tập BỐ CỤC của chúng ta có thể khái quát trong một câu này: lí luận là chủ đạo, từ nông đến sâu, cái gì cần dùng gấp thì học trước, phù hợp với phong cách, k ế hoạch khoa học, bớt sâu thêm rộng, từng bước hệ thống hóa, kết hợp nghiên cứu thực chiến

1. Lấy lí luận là chủ đạo

Biến hóa trong Bố cục rất đa dạng, mà mỗi nhánh đều có nét đặc sắc riêng, mà lí luận của bố cục lại mang tính bất hủ (không bao giờ lạc hậu), đối với mỗi loại-mỗi dạng biến hóa trong bố cục, thì lí luận bố cục đều có những hướng dẫn chỉ đạo mang ý nghĩa tổng kết . Đó là do lí luận bố cục là quy luật, khoa học và kinh nghiệm được người ta tổng kết ra từ vô vàn biến hóa trong bố cục.

– Sử dụng lí luận bố cục để phân tích, phán đoán sự được mất, so sánh ưu thế-kém thế trong bố cục thường được kết quả tương đối hợp lí, rất có hiệu quả.

– Sử dụng lí luận bố cục để lựa chọn biến hóa trong bố cục cũng thường đạt kết quả chính xác. “Được thua nhất thời là do lực mạnh hay yếu, thành bại muôn thủa là do lí luận đúng hay sai. ”– người mới học cờ nhất định phải coi trọng việc học tập các quy luật khách quan của cờ tướng. Trong số những người mới học, có vẻ không có nhiều người nhìn nhận được tầm quan trọng của kiến thức về lí luận bố cục. Vì vậy, mọi người nên trong lúc học tập các biến hóa cụ thể của bố cục, đồng thời học tập các tri thức về lí luận liên quan, lại phải không ngừng tự tổng kết, như vậy sẽ giúp ích rất nhiều cho việc học, tác dụng có thể kể ra: nắm bắt biến hóa sẽ nhanh hơn, dễ dàng lí giải các yếu lĩnh, điểm quan trọng và tư tưởng chủ đạo của thế trận, cuối cùng là nhanh chóng nâng cao trình độ bố cục. Đây là công việc cần thiết phải làm trong quá trình học tập: chú ý thu gom lấy kiến thức, qua quá trình giác ngộ kiến thức mà tổng kết thành lý luận, nhất là nắm được các mục tiêu của giai đoạn bố cục của mỗi loại biến hóa.

2. Thứ tự từ nông đến sâu

Khi học lí luận và biến hóa cụ thể của bố cục, người mới học cần theo thứ tự từ nông đến sâu, từng bước nắm được những quy luật khách quan, với trình độ trung tàn tương đối của bản thân (tức là nên chuẩn bị hiểu biết về bắt tướng trước khi học bố cục) mà học lấy một vài biến hóa đơn giản và một số lí luận rõ ràng, dễ hiểu của bố cục, rồi sơ bộ nắm được một số yếu lĩnh và tri thức thông thường trong bố cục để làm cơ sở, sau đó từ thực tiễn và học tập sẽ từng bước đào sâu và mở rộng hiểu biết cơ sở này, chỉ có như vậy thì việc tiến bộ mới vững chắc từng bước. Quan trọng là không được tham nhanh, tham nhiều để tránh trường hợp nửa đường nản chí để rồi mãi mãi vẫn không thể nâng cao trình độ.

3. Cái gì cần dùng gấp thì học trước

Trong khi học tập để hoàn bị phần kiến thức cơ sở, cũng nên kết hợp với như cầu ứng dụng của bản thân trong thực chiến để học trước loại bố cục nào liên quan đến loại thường sử dụng, ví như có thể học trước những biến hóa có tính thực dụng cao (với bản thân) hay học những cạm bẫy mà trong quá trình đánh cờ có thể va vấp. Như thế không chỉ tăng cường hiệu quả học tập, mà lại nâng cao hứng thú, đam mê-nhất là kích thích đầu óc cho dễ nhớ, đẩy nhanh quá trình tiến bộ.

4. Phù hợp với phong cách

Do trong mỗi cá nhân đều tồn tại những đặc điểm riêng, khác người khác-nên phong cách và thói quen chơi cờ của từng người cũng không thể giống nhau hết được, nếu trong khi học tập bố cục mà có thể lựa chọn học trước những biến hóa phù hợp với tính cách, sở thích của mình (người thì ham thích mau chóng đối công, người thì muốn bày binh bố trận cẩn mật trước đã…) thì sẽ lợi về phát triển sở trường bản thân, dễ tiến bộ, lại còn giữ được hứng thú nồng nhiệt với học tập. Ví dụ: bạn ham thích công sát, thì nên lựa chọn các loại bố cục đối công kịch liệt để học trước, sẽ dễ phát huy điểm mạnh, tránh điểm yếu (sau này có hiểu biết tạm tạm rồi, sẽ quay về khắc phục điểm yếu sau)-nếu đã thích công sát, mà lại học các loại bố cục có hình trận ổn chắc, thì sở trường không được phát huy, dễ bị ức chế, không lợi cho việc tiến bộ.

Đương nhiên, sau khi đã học tập được một số kiến thức cơ sở để chuẩn bị rồi, thì vẫn phải tìm hiểu và nghiên cứu những loại bố cục khác, hoặc biến hóa khác với phong cách của mình, để lấy mạnh bù yếu-sửa chữa thiếu sót và hoàn thiện bản thân. Việc này cũng rất là quan trọng.

5. Kế hoạch khoa học

Khi học tập bố cục, nhất định thiết lập kế hoạch học tập sao cho khoa học, kế hoạch phải đầy đủ mục tiêu tổng thể và sắp xếp thời gian, cách thức thực hiện từng bước cụ thế. Sắp xếp kế hoạch cần kết hợp chi tiết và tổng thể, từng bước mở rộng, vừa cần đầy đủ các loại bố cục, và cần có phương hướng, mục tiêu rõ ràng cho mỗi giai đoạn học tập (lúc nào, thì học sâu đến đâu?) Thiệt lập kế hoạch xong, lại phải chấp hành kế hoạch chuẩn xác (cả về chất lượng kiến thức và khối lượng kiến thức), phải dốc sức vào việc thực hiện kế hoạch và đạt được mục tiêu đề ra, mới có thể nhanh chóng hình thành hệ thống bố cục của bản thân. Nếu không, se dẫn đến lan man (đông đánh 1 chùy, tây vẩy 1 gậy), cuối cùng thì hiểu biết về bố cục cũng chả bao giờ tới đầu tới đũa, trong tay chẳng có thứ vũ khí gì đáng kể.

Kế hoạch làm ra là do bản thân mình sử dụng, nếu phù hợp thì dùng để mà học, không phù hợp phải đi hỏi người có kinh nghiệm hướng dẫn cho cách học, cách làm kế hoạch, sao cho kế hoạch phải hợp lí và khả dụng thì thôi. Bởi vì kiến thức trong phạm vi bố cục là rất rộng nên dù thế nào, cũng phải có kế hoạch mới học được.

6. Trước sâu, sau rộng

Mục đích của việc thiết lập kế hoạch học tập là giúp cho việc hệ thống hóa từng bước được thuận lợi, kinh nghiệm rất tốt là: ban đầu học ít loại hình bố cục, nhưng mà học sâu từng loại để hiểu rõ, sau đó mới lại mở rộng ra học nhiều loại bố cục và cách học là không quá sâu, để phát huy hiểu biết về tổng quan-như vậy, giúp cho việc hệ thống hóa và sắp đặt kế hoạch học tập có hiệu quả.

Giả như bạn là kỳ thủ ưa thích hình cờ ổn định, chắc là đầu tiên nên xem phi tượng, bắt đầu nghiên cứu từ góc độ đi tiên nước cờ V3. 5, tìm các ứng đối khả thi của bên hậu (Pháo đầu, quá cung pháo, pháo tai sỹ, lên mã, thúc tốt, lên tượng…) mỗi loại nên học vững một vài biến hóa, rồi sau tùy theo điều kiện thực chiến, lại đào sâu một vài biến hóa hay dùng. Rồi tìm vài phương án (1-2 phương án) của bên đi sau đối phó với đối thủ đi trước dùng V3. 5 để nghiên cứu và ứng dụng. Như vậy, đã giảm bớt nhiều loại hình bố cục đi tiên khác (pháo đầu, thúc tốt…)- đối với bố cục đi hậu, cũng giảm bớt không phải học đa số các biến hóa đối phó với phi tượng (đã học trong lúc học đi tiên rồi) như thế gọi là học ít mà sâu. Đối với các loại bố cục khác cũng có thể dùng theo cách đó. Rộng nghĩa là trên cơ sơ hiểu biết sâu về một vài loại bố cục sở trường (đã học ở giai đoạn đầu-học sâu), từng bước mở rộng khu vực biến hóa của bố cục.

Phương pháp học trước sâu, sau giảm sâu mà tăng rộng (trước sâu, sau rộng) có lợi về khai phá đường hướng suy nghĩ, sâu và rộng hỗ trợ lân nhau, cái nào tốt thì phát huy.

7. Từng bước hệ thống hóa

Hệ thống hóa bố cục là nhu cầu quan trọng đối với kiến thức và phục vụ rất tốt cho thực chiến. Ban đầu học ít mà sâu, người học nhất định đã thông tỏ một vài biến chính của bố cục sở trường tự chọn. Sau rồi từng bước tiến vào lĩnh vực nghiên cứu mở rộng các chủng loại bố cục khác. Tiếp tục học sâu các biến hóa của những bố cục mới mở rộng thêm. Trong quá trình học này, luôn luôn chú ý hệ thống hóa từng bước và nâng lên thành lí luận (vì yếu lĩnh 1: lấy lí luận làm chủ đạo) đó chính là thành tựu và kết quả của học tập.

8. Kết hợp nghiên cứu và thực chiến

Kết hợp nghiên cứu và thực chiến nghĩa là lấy thực chiến để kiểm tra kết quả học tập, có điều kiện để xem xét cách học, nội dung học là đúng hay là sai? Tục nói là: “Luyện tập trong chiến đấu”. Chí có không ngừng học tập kết hợp thực chiến, thì lí luận và thực tế mới kết hợp được nhuần nhuyễn, mà từng bước làm phong phú và hoàn thiện hệ thống bố cục của bản thân-mới có thể theo kịp sự phát triển đổi mới không ngừng của thời đại.

Hết

Tải về

Cờ tướng cờ thế dành cho thiết bị di động

Bình luận